Những quán mì hoành thánh của người Tàu chính gốc có những danh tự rất đặc trưng. Hầu hết những quán ăn người Hoa ở Sài Gòn nói riêng và ở các tỉnh thành khác đều có chung một đặc điểm chung là… luôn có chữ “Ký” phía sau tên quán. (Ví dụ: Huỳnh Ký Mì Gia, Hải Ký Mì Gia,…). Vậy chữ “KÝ” trong tên gọi của quán mang những ý nghĩa gì? Hãy cùng Giaductri.com tìm hiểu bài viết dưới đây nhé

Các xe mì và quán mì Tàu luôn đậm đà bản sắc văn hóa

Ở Sài Gòn, mọi người luôn nhìn thấy biển hiệu quảng cáo của quán ăn Trung Hoa, hay của những xe mì, xe hủ tiếu mì của người Hoa chính gốc đều có tên quán gắn liền với chữ “Ký”, như là: Thành Ký Mì Gia, Hùng Ký Mì Gia, Du Ký Mì Gia, Huê Ký Mì Gia,… 

ly giai ve tu ky trong ten cua nhung quan mi tau 5
Lý giải về từ “Ký” trong tên của những quán mì Tàu – ảnh ST

Cụ thể, các quán mì chính gốc Hoa, hay các xe mì người Hoa được đóng bằng gỗ, nhôm, ốp kiếng màu, và trang trí bằng tranh vẽ về các tích truyện xưa của Trung Quốc thời Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí… Phía trên xe mì có các biển hiệu tên quán bằng chữ Việt, đi kèm theo Hán Tự ( chữ của người Hoa).

Theo ông Lương Chí Bằng (Nghệ nhân vẽ tranh kiếng tuồng tích trên các xe mì người Hoa cho biết: ‘Khoảng năm 1950, tiệm ông bắt đầu chuyên vẽ tranh kiếng xe mì, hủ tiếu. Thông thường, bộ tranh kiếng trên các xe mì/hủ tiếu sẽ gồm: Biển hiệu tiệm mì/hủ tiếu đặt ở mặt trước, chính giữa xe. Hai bên tấm tranh kiếng biển hiệu thường là hai câu đối với nội dung ca ngợi danh tiếng và khẩu vị của tiệm mì/hủ tiếu cũng như chúc tụng buôn may bán đắt, danh tiếng vang xa. Rồi hai bên câu đối là tranh vẽ tích truyện. Hai bên hông xe mì/hủ tiếu cũng là 2 hoặc 3 tầng vẽ tích truyện.”

Điều thú vị là các xe mì này thường được thiết kế độc đáo với 3 mặt của xe là ba tấm thiếc hoặc 3 ván gỗ được ốp vào thân xe, có thể dễ dàng “mở ra” tạo thành “bàn ăn”, kết hợp với mấy cái ghế gỗ hoặc ghế xếp là thành “quán ăn di động”. 

Ngoài ra, trên “bàn” của những xe mì người Hoa luôn có để sẵn chai giấm đỏ (hay còn gọi là Giấm Tiều), hắc xì dầu, xì dầu ngọt, hủ tỏi ớt ngâm giấm và lon đựng đũa muỗng,…

Điều đặc biệt nhất khi các bạn đến của các quán mì xưa của người Hoa chính gốc là sẽ không bao giờ tìm thấy được chai nước mắm trên bàn ăn. Bởi vì trong ẩm thực Trung Hoa chính gốc chỉ dùng nước tương, xì dầu, hoặc giấm Tiều để làm nước chấm. Tuy nhiên, ngày nay, một bộ phận nhiều quán mì hoành thánh đã chuẩn bị thêm chai nước mắm để đáp ứng nhu cầu của số đông thực khách Việt.

“Ký” trong tên các quán Mì không chỉ có nghĩa là “ghi chép”

Khi được hỏi về ý nghĩa của từ “Ký” trong tên các quán ăn của cộng đồng Hoa Kiều tại Sài Gòn, thì họ có nhiều cách lí giải khác nhau. 

Nhiều chủ quán cho rằng, việc đặt tên quán gắn với cụm từ “ký mì gia” đã trở thành một thói quen từ những thế hệ trước. Nó như một dấu hiệu nhận biết nét đặc trưng, riêng biệt của các hiệu mì gia truyền.

Nhìn chung, từ “Ký” là từ chung nói về thương hiệu quán. Còn từ “Mì gia” có nghĩa đơn giản là “tiệm mì”, “nhà làm mì”, “gia đình làm mì”, “mì gia truyền”, “tiệm mì gia đình”… (ngụ ý nói về tiệm bán mì được chính người trong nhà làm thủ công, và làm theo bí quyết riêng của gia đình dòng họ).

Theo Bà Chế Thị Tiền (78 tuổi, ngụ Q.5, TP HCM): “Từ “Ký” gắn liền với các tiệm mì từ xưa khi nói về quán ăn chính gốc Hoa. Hồi xưa nhìn vậy là biết tiệm đó làm mì và nấu mì chuẩn người Hoa không. Giờ thì nhiều tiệm mì quá, có nhiều tiệm không phải gốc. Về ý nghĩa xưa thì có rất nhiều nhưng thế hệ trẻ thì không biết. Trước hết, thì từ “Ký” có thể hiểu là “nhớ”, là “ danh hiệu”, là sự xác tín, chứ không hẳn là mang nghĩa “ghi chép” như nhiều người trẻ thường nói. Tôi đi ăn, tôi hiểu và cảm nhận được chủ tiệm muốn khách hàng nhớ tới tên hiệu quán đó, thuộc về dòng họ hoặc gia đình nào đó. Ví dụ như: Hiệu Mì của Nhà Huỳnh, Hiệu Mì của Nhà Hải, Hiệu Mì của Nhà Dìn…”

ly giai ve tu ky trong ten cua nhung quan mi tau 3
HIếu Ký Mì Gia

Ông Chu Phong (70 tuổi, Q.5, TPHCM), một người Hoa cũng chia sẻ: “Các tiệm “Ký Mì Gia” trong cộng đồng người Hoa nổi tiếng không chỉ vì cái tên, hay vị nước lèo ngon mà còn nằm ở… sợi mì dai ngon đặc trưng. Hồi trước đọc cái tên quán gắn liền với từ “Ký Mì Gia” là ngầm hiểu quán đó bán mì được làm thủ công theo công thức của người Hoa, rồi được thế hệ sau tiếp nối. Mà sợi mì chính gốc Hoa thì ngon lắm. Ăn sựt, dai, không có bị bở, rất là thơm. Bây giờ, các tiệm “Ký Mì Gia” rất nhiều, nhưng tiệm mì thuần gốc Hoa không còn nhiều. Muốn tìm mua mì chính gốc Hoa ngon cũng khó.”

Đọc thêm:

Thế nào là mì vắt chính gốc Hoa ngon?

Mua mì tươi Người Hoa ở đâu?

Trước từ ‘ký’ là tên riêng hoặc từ mang ý nghĩa tốt đẹp

Trên các đường tập trung đông cộng đồng văn hóa người Hoa ở Q.5, TPHCM như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Hà Tôn Quyền… có nhiều tiệm mì gốc Hoa tuổi đời trên dưới nửa thế kỷ. Cụ thể là tiệm mì Hải Ký, Dìn Ký, Thiệu Ký… 

Đọc thêm: Danh sách các tiệm mì người Hoa siêu ngon ở Sài Gòn 

Theo anh Dương Chí Hào, người kế thừa đời thứ ba của tiệm mì Hải Ký, thì Hải Ký Mì Gia do ông ngoại anh, vốn là người gốc Hoa, mở bán trên đường Lacaze (nay là đường Nguyễn Tri Phương) từ trước năm 1975, sau mới dời sang Nguyễn Trãi.

“Bấy giờ, ông ngoại tôi mở tiệm mì cùng với một người bạn tên Hải, thì tiệm mì được đặt theo tên người này. Tên hàng ăn người Trung Hoa thường được lấy từ tên hoặc họ của chủ tiệm, cũng có thể là người thân trong gia đình, giống như cách đặt tên hàng quán của người Việt thôi. Khi thành tên chính của quán thì ngẫm nghĩ lại thấy nó hàm chứa nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Còn từ “ký” trong tên quán thì ẩn ý như danh dự, khẳng định một cửa tiệm làm ăn uy tín”, anh Hào cho hay.

Còn anh Du Tiến, chủ quán Mì vịt tiềm Du Ký, cho biết, món ăn này được anh kế nghiệp từ dì người gốc Phúc Kiến, mở bán được hơn 40 năm ở Q.Bình Thạnh. Đến năm 2016, anh mới xây dựng nên một thương hiệu mì vịt tiềm chỉn chu, lấy tên là Du Ký. “Du” vừa là chữ lót tên mình, vừa là tên con mình là Trần Tiến Du. Nhưng sở dĩ mình thích chữ “Du” vì hàm nghĩa của nó là sự đi khắp nơi. Cũng nhờ cái tên này mà trong 3 năm, mình đã mở được 3 chi nhánh khắp TP.HCM. Mình cũng mong muốn món mì gia truyền sẽ tiếp tục đi xa hơn nữa, cho nhiều người biết đến. Đôi khi tên quán nằm trước chữ “ký” cũng là một sự kỳ vọng của người chủ quán, như “Phúc Ký”, “Phát Ký”, mang lại may mắn cho quán ăn nên làm ra”, anh Tiến chia sẻ.

Theo PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh (Khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) cho biết: “Trong một bài giải đáp của học giả An Chi trên báo, vị này đã có cách giải thích rất thuyết phục. Theo đó, sau khi tìm hiểu từ những người gốc Hoa, từ “ký” lộ ra rất nhiều nghĩa, và hiểu là dấu ấn, nhớ, danh dự, dấu hiệu đều có lý. Nhưng cuối cùng thì ông cũng chốt lại cách lý giải khoa học nhất:

“Mathews’ Chinese – English Dictionary đối dịch Ký là a sign, a mark và Ký hiệu là trade-mark. Trade-mark, chẳng phải gì khác hơn là nhãn hiệu, thương hiệu.

Vậy cái là nghĩa gốc chính xác của chữ Ký trong Tường Ký, Chánh Ký, v.v… chẳng qua chỉ là “hiệu”. Chính vì thế nên chủ một số cửa hàng người Hoa mới đặt bảng hiệu của mình bằng một danh ngữ mà “ký” là trung tâm (đứng cuối) còn đứng trước là một trong những chữ dùng làm tên riêng cho cửa hàng của mình”. (Trích Sài Gòn Giải Phóng Online, đăng ngày 16.08.2016)”.

ly giai ve tu ky trong ten cua nhung quan mi tau 4
Hải Ký Mì Gia

Ngoài ra, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh cũng phân tích thêm từ “mì”. Đây là một từ xuất phát từ tiếng Trung Quốc phiên âm ra nhưng người Việt đã Việt hóa nó. Trung Quốc cũng còn nhiều từ khác để gọi mì như: mi (âm cổ), miàn (âm hiện đại).

“Trong cấu trúc của từ “mì gia” thì “mì” là từ Hán Việt. Thế nhưng nếu nói “tiệm mì” cũng được, và lúc đó “mì” lại trở thành từ thuần Việt. Ví dụ với từ thuần Việt “cơm”, người ta nói “tiệm cơm” chứ không ai nói “cơm gia”. Riêng từ “mì” lại đặc biệt vì được hiểu theo cả 2 nghĩa thuần Việt lẫn Hán Việt”, PGS.TS cho hay.

Tóm lại, từ “Ký”, “Mì Gia” trong tên của những quán mì Tàu không chỉ đơn thuần là tên gọi, mà còn gắn liền với danh dự, uy tín của Thương Hiệu, là cả một hành trình kế thừa tiếp nối của tinh hoa ẩm thực và bản sắc văn hóa đặc trưng. 

Huỳnh Như

Trả lời